‘Mượn ánh nắng tô điểm cho nhà, lấy gió trời thổi hồn cuộc sống’ là quan điểm thiết kế xuyên suốt ngôi nhà 3 tầng, mặt bằng 100 m2 ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Nha Trang là thành phố du lịch, có khí hậu tốt, biển xanh nắng vàng, gió trong lành… Được hưởng nhiều ưu đãi thiên nhiên, nhưng ngôi nhà nằm trong khu đô thị Bắc Vĩnh Hải, Nha Trang, lại gặp bất lợi ở vị trí.
Ngôi nhà gặp 4 khó khăn chính:
– Vị trí lô đất xây nhà nằm gần trục đường trung tâm (cách 30 m) với lượng xe lưu thông lớn, ô nhiễm bụi và tiếng ồn mức độ cao.
– Nằm giữa hai nhà xưởng, trước mặt bên kia đường là xưởng sản xuất của công ty thuốc thú y (cao 7 m), sau lưng là xưởng garage (cao 5 m).
– Nằm trong khu vực bến xe, tình trạng an ninh phức tạp.
– Lô đất nằm trong khu đô thị mới đã cố định phần móng và vị trí trụ, bị khống chế về chiều cao và độ dốc phần mái trước (theo độ dốc lợp ngói).
Gia chủ là một gia đình trẻ (vợ chồng và một bé trai 3 tuổi) mong muốn không gian sống hướng nội, nhưng ngập tràn ánh sáng thiên nhiên và tận dụng gió mát.
Từ đó, kiến trúc sư Nguyễn Công Toàn đã đưa ra giải pháp thiết kế với những tiêu chí xuyên suốt:
– Thiết kế tiết kiệm năng lượng, tôn trọng văn hóa sống và thói quen sinh hoạt của gia chủ.
– Không gian mở nhưng hướng nội, mượn ánh sáng, bóng đổ để trang trí, tận dụng tối đa gió mát nhưng kiểm soát bụi và tiếng ồn, đảm bảo an toàn chống trộm cho ngôi nhà.
– Tận dụng chất liệu đặc thù địa phương để giảm chi phí đầu tư và lưu giữ dấu ấn bản sắc vùng miền.
Chi phí xây dựng, thiết kế, làm nội thất (ốp lát, đèn, thiết bị nhà vệ sinh, không tính tivi, tủ lạnh) là 1,35 tỷ đồng. Bàn ghế, giường tủ chuyển từ nhà cũ sang.
Mặt đứng có hai lớp linh động, lớp đầu tiên là hệ lam với mật độ dày thưa khác nhau, tùy vào không gian bên trong là phòng ngủ, phòng thờ hay phòng tắm. Lớp thứ hai là cửa kính lùi vào trong. Hệ lam nhôm dày và lam bê tông ở tầng 3 cũng là giàn để dây leo bám vào, theo thời gian sẽ là mặt tiền với cây xanh và hoa, có tác dụng giảm bức xạ nhiệt từ nhà xưởng đối diện, lọc bụi. Hệ lam bê tông thưa hơn ở tầng 2 nhằm lấy ánh sáng, thông gió cho phòng ngủ và phòng tắm bên trong.
Hệ lam còn giúp chống trộm an toàn, mở lớp cửa kính bên trong, có thể đón nhận gió trời. Cổng chính vào nhà cũng hai lớp, lớp ngoài là cổng sắt với những kẽ hở thông gió và giúp chủ nhà có thể quan sát được người đứng trước cổng nhà.
Ảnh: Phi Trường
Cảm ơn mọi người đã quan tâm! Đọc qua các bình luận, có thể nhận thấy mỗi người mỗi cách nhìn khác nhau. Điều đó giải thích tại sao ngôi nhà mH House (ngôi nhà được nói đến trong bài báo này) lại được thiết kế như thế, bởi đơn giản nhu cầu sử dụng của chủ nhà chỉ cần bao nhiêu đấy. Nói thế cũng chưa đủ, thiết kế ngôi nhà này dựa trên các nền tảng chính: Thứ 1- Tương quan giữa vị trí khu đất so với cảnh quan xung quanh, điều này phần nào giải thích tại sao hình thức mặt đứng lại như vậy. Thứ 2-Tương quan hướng của khu đất với biểu đồ chuyển động vị trí mặt trời các thời điểm trong ngày, theo mùa, theo tháng, từ đó tính toán rất kĩ để lấy ánh nắng tốt trực tiếp vào buổi sáng xuyên qua hệ lam mái, các thời điểm buổi trưa, chiều thì lấy “ánh sáng tán xạ”, không để nắng chiếu trực tiếp vào các khu vực sử dụng, chỉ để chiếu vào khu vườn và lên tường. Chỉ cần xoay hướng nhà 45 độ thì sẽ phản tác dụng trong tính toán ánh sáng, lúc này sẽ lấy nắng nóng chứ không phải lấy sáng. Thứ 3-Chất liệu trang trí, hệ thống đèn gần như được “độ” để giảm chi phí, bên cạnh đó, đá sỏi, cây xanh…là những chất liệu tận dụng đặc trưng sẵn có của địa phương, vừa mang dấu ấn vùng miền, vừa tiết kiệm chi phí. Thứ 4-Nhu cầu sử dụng của gia chủ, thói quen sinh hoạt hằng ngày của các thành viên trong gia đình,”lối sống” cảm nhận riêng của chủ nhà…….Tóm lại, tất cả lý giải tại sao thiết kế ngôi nhà như vậy, bởi khi 1 gia đình khác sử dụng chưa chắc đã ưng ý, hay đặt ngôi nhà ở 1 vị trí khác trong thành phố chắc chắn nó không có tác dụng tối ưu, càng bất hợp lý hơn khi mang mô hình mH House đặt ở Tây Nguyên, Hà Nội hay Sài Gòn, đơn giản khí hậu và văn hóa sống các vùng miền khác nhau,ngôi nhà “nguy hiểm” hơn là tiện dụng. Quan điểm thiết kế bản thân tôi:”xem việc thiết kế 1 ngôi nhà 300 triệu cũng giống như thiết kế 1 vila 5 tỷ”, tất cả đều được đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi đặt bút thiết kế…Mỗi công trình là 1 thông điệp tôi muốn chia sẻ cùng mọi người, để chúng ta cảm nhận rõ hơn “giá trị đúng” của đồng tiền ta bỏ ra trong thời buổi kinh tế suy thoái và con người đang vật lộn với biến đổi khí hậu….Cảm ơn tất cả mọi người